

Cuối thế kỷ XIX, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã làm thay đổi sâu sắc cấu trúc xã hội Việt Nam. Từ một xã hội phong kiến thuần nông, các nhà máy, hầm mỏ, đồn điền... lần lượt mọc lên. Chính trong bối cảnh đó, giai cấp công nhân Việt Nam ra đời.
Xuất thân từ những người nông dân mất ruộng đất, những người thợ thủ công bị phá sản, họ mang trong mình lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần căm thù giặc sâu sắc.

Công nhân và chủ người Pháp tại xưởng Ba Son những năm 1925-1926. Ảnh: Triển lãm chuyên đề “Ba Son – Dòng thời gian” - Bảo tàng Tôn Đức Thắng

Cổng vào xưởng đóng tàu Sài Gòn những năm 1920-1929. Ảnh: Triển lãm chuyên đề “Ba Son – Dòng thời gian” - Bảo tàng Tôn Đức Thắng
Từ con số 10 vạn người trước Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đội ngũ công nhân đã nhanh chóng tăng lên hơn 22 vạn người vào năm 1929. Bị áp bức bóc lột tàn tệ, giai cấp công nhân đã sớm tập hợp trong các Hội Ái hữu, Hội Tương tế để đấu tranh đòi quyền lợi.
Sự kiện thành lập Công hội Ba Son (Sài Gòn) vào năm 1920 do người công nhân ưu tú Tôn Đức Thắng khởi xướng đã đánh dấu một bước ngoặt, mở đầu cho phong trào đấu tranh có tổ chức của giai cấp công nhân Việt Nam.

Sự ra đời của Công đoàn Việt Nam gắn liền với vai trò của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Người đã sớm nhận thấy sức mạnh của giai cấp công nhân và vai trò của tổ chức Công đoàn khi trực tiếp tham gia Công đoàn tại Anh, Pháp.
Trong tác phẩm "Đường Kách mệnh", Người đã chỉ rõ 5 mục đích cốt lõi của công hội, đặt nền tảng lý luận vững chắc cho việc thành lập tổ chức.

Dưới ánh sáng tư tưởng của Người, phong trào "Vô sản hóa" (1925-1928) do Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên phát động đã đưa lý luận cách mạng thâm nhập sâu rộng vào các nhà máy, hầm mỏ.
Sự ra đời của Chi bộ Cộng sản đầu tiên (3/1929) và Đông Dương Cộng sản Đảng (6/1929) là kết quả tất yếu của quá trình này, trong đó đồng chí Nguyễn Đức Cảnh là một trong những hạt nhân lãnh đạo.

Nhà số 5D phố Hàm Long, Hà Nội - nơi thành lập Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Việt Nam tháng 3/1929. Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam
Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Nguyễn Đức Cảnh đã nhận thức sâu sắc rằng, muốn cách mạng thành công, phải có một tổ chức đại diện cho giai cấp công nhân.
Ngày 28/7/1929, tại nhà số 15 phố Hàng Nón, Hà Nội, Đại hội thành lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ đã được tiến hành. Đại hội do đồng chí Nguyễn Đức Cảnh chủ trì, thông qua Điều lệ, bầu Ban Chấp hành lâm thời và quyết định xuất bản báo Lao động, tạp chí Công hội Đỏ (nay là Tạp chí Lao động và Công đoàn).
Sự kiện này là một mốc son chói lọi, khẳng định giai cấp công nhân Việt Nam chính thức có tổ chức cách mạng của riêng mình, hoạt động có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đồng chí Nguyễn Đức Cảnh - lãnh tụ của phong trào công nhân, người sáng lập Tổng Công hội Đỏ Bắc Kỳ năm 1929. Ảnh tư liệu

Giai đoạn 1930 - 1945: Ngọn cờ đầu trong cuộc đấu tranh giành độc lập
Ngay sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Tổng Công hội Đỏ đã trở thành lực lượng nòng cốt, đội quân chủ lực trong cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh.
Dù bị thực dân Pháp đàn áp dã man, tổ chức Công hội vẫn kiên cường bám rễ trong quần chúng, linh hoạt thay đổi hình thức hoạt động từ Nghiệp đoàn, Hội Ái hữu (thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939) đến "Hội công nhân phản đế" và sau là "Hội Công nhân cứu quốc" (thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1939-1945).
Lực lượng công nhân, đoàn viên công đoàn đã trở thành hạt nhân của các đội tự vệ, các cuộc bãi công chính trị, góp phần làm nên thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám năm 1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng Tháng Tám thành công. Ảnh: TTXVN
Giai đoạn 1945 - 1954: Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc
Đất nước vừa giành độc lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và âm mưu xâm lược trở lại của thực dân Pháp. Tháng 7/1946, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chính thức được thành lập, đánh dấu sự thống nhất của tổ chức Công đoàn trên cả nước.
Trong 9 năm kháng chiến trường kỳ, Công đoàn đã phát động mạnh mẽ các phong trào thi đua yêu nước. Công nhân các nhà máy, công xưởng di tản lên chiến khu đã trở thành những người lính trên mặt trận sản xuất vũ khí.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (hàng đầu, thứ tư, từ phải sang) với các đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ Nhất, từ 1 đến 15/1/1950 tại Thái Nguyên. Ảnh: TTTVN
Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ I (01/1950) tại chiến khu Việt Bắc đã đề ra mục tiêu "Động viên công nhân viên chức cả nước, nhất là công nhân ngành Quân giới sản xuất nhiều vũ khí, khí tài phục vụ kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi".
"Bác Hồ kính yêu vì bận nhiều công việc không đến được nên đã gửi thư chúc mừng giai cấp công nhân, chúc Đại hội đạt kết quả thiết thực tốt đẹp.
Bác viết: “Theo ý tôi, những việc chính mà Đại hội phải làm là:
- Tổ chức và huấn luyện toàn thể công nhân vùng tự do và trong vùng tạm bị chiếm.
- Lãnh đạo công nhân xung phong thi đua ái quốc và chuẩn bị Tổng phản công.
- Đi đến tổ chức toàn thể lao động bằng đầu óc cũng như lao động bằng chân tay.
- Giúp đỡ và lãnh đạo nông dân về mọi mặt.
- Liên lạc mật thiết với công nhân thế giới, trước hết là với công nhân Trung Hoa và công nhân Pháp".
* Trích trong bài viết "Mấy ghi nhớ về Đại hội I" của ông Đỗ Như Khánh - nguyên Trưởng Ban Tuyên truyền khánh tiết Đại hội I Công đoàn Việt Nam.
|
Phong trào thi đua ái quốc, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật đã lan tỏa sâu rộng, góp phần quyết định vào thắng lợi của các chiến dịch, mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Một trường đoạn trong bức tranh panorama tái hiện toàn cảnh Chiến dịch Điện Biên Phủ tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ - Ảnh: VGP/Xuân Hồng
Giai đoạn 1954 - 1975: Xây dựng CNXH ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam
Sau Hiệp định Genève, đất nước tạm thời bị chia cắt. Ở miền Bắc, Công đoàn vận động công nhân hăng hái thi đua lao động, khôi phục kinh tế, xây dựng cơ sở vật chất cho chủ nghĩa xã hội. Các phong trào thi đua như "Sóng Duyên Hải", "Ba quyết tâm" đã tạo ra khí thế lao động sôi nổi, xuất hiện nhiều Anh hùng Lao động.
Đại hội II (02/1961) đã quyết định đổi tên tổ chức thành Tổng Công đoàn Việt Nam và phát động phong trào "Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt".
Đại hội III (02/1974) đã khẳng định quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt đọc diễn văn khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II, tháng 2.1961. Ảnh: TTXVN

Đại biểu dự Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ II bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Tổng Công đoàn Việt Nam, tháng 2/1961. Ảnh: TTXVN

Lễ khai mạc Đại hội Công đoàn Việt Nam lần thứ III tại Hà Nội ngày 11/2/1974. Ảnh: TTXVN

Ở miền Nam, Liên hiệp Công đoàn giải phóng miền Nam Việt Nam (1965) ra đời, trở thành ngọn cờ tập hợp công nhân lao động trong các đô thị, vùng tạm chiếm, tổ chức các cuộc đấu tranh chính trị, bãi công làm tê liệt bộ máy của địch, phối hợp với lực lượng vũ trang trong các cuộc tổng tiến công và nổi dậy, góp phần to lớn vào Đại thắng mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.
Giai đoạn 1975 - 1986: Thống nhất và xây dựng đất nước
Đất nước thống nhất, non sông thu về một mối. Tháng 6/1976, Hội nghị Công đoàn toàn quốc đã quyết định thống nhất tổ chức Công đoàn hai miền, giữ tên gọi Tổng Công đoàn Việt Nam.
Đại hội IV (05/1978) và Đại hội V (11/1983) đã tập trung vận động công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất, khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giai đoạn này, Công đoàn đã có những bước tiến quan trọng trong việc tham gia quản lý, bảo vệ quyền lợi người lao động. Đặc biệt, Đại hội V đã quyết định lấy ngày 28/7/1929 làm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh gặp các đại biểu nữ tham dự Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ VI sáng 17/10/1988 tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Từ Đại hội VII (1993) đến Đại hội IX (2003): Tổ chức Công đoàn tập trung vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng giai cấp công nhân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại hội X (2008) và Đại hội XI (2013): Khẳng định phương châm "Hướng về cơ sở", chuyển mạnh hoạt động vào việc đại diện, bảo vệ quyền lợi đoàn viên, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ và đồng hành cùng Chính phủ nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Đoàn Chủ tịch Đại hội bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam khóa X, tháng 11/2008. Ảnh: Tạp chí LĐ & CĐ
Đại hội XII (2018) diễn ra trong bối cảnh đất nước đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là đại dịch Covid-19. Công đoàn đã thể hiện vai trò tuyến đầu, kịp thời đề xuất và triển khai các gói hỗ trợ, đồng hành cùng người lao động vượt qua khó khăn, khẳng định là "chỗ dựa" vững chắc nhất.
Đại hội XIII (12/2023) đề ra mục tiêu chiến lược, tập trung vào 3 khâu đột phá: (1) Nâng cao hiệu quả đại diện, bảo vệ quyền lợi người lao động; (2) Xây dựng đội ngũ chủ tịch CĐCS vững mạnh; (3) Xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh. Đại hội hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập, khẳng định vị thế của Công đoàn Việt Nam vững mạnh toàn diện, hiện đại.

Các đại biểu tham dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, tháng 12/2023.
------
Chặng đường 96 năm lịch sử khắc ghi lòng yêu nước, tinh thần cách mạng và khát vọng cống hiến của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam. Từ những ngày đầu thành lập Tổng Công hội Đỏ chỉ với vài nghìn đoàn viên, đến nay, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã lớn mạnh, là ngôi nhà chung của hàng chục triệu đoàn viên trên khắp mọi miền Tổ quốc.
Xuyên suốt dòng chảy lịch sử dân tộc, Công đoàn Việt Nam luôn là ngọn cờ tiên phong, là lực lượng nòng cốt, tập hợp sức mạnh của người lao động, cống hiến to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Di sản và truyền thống vẻ vang đó chính là niềm tự hào vô hạn, là ngọn đuốc soi đường để các thế hệ cán bộ, đoàn viên, người lao động hôm nay vững bước tiến lên, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được giao phó.